OTA BLOG

06 sai lầm lớn nhất của nhãn hàng khi kết hợp cùng Gaming Influencer

Như đã phân tích ở trên, Gaming Influencer là giải pháp tuyệt vời giúp marketer tạo ra một chiến dịch khác biệt, nổi bật thương hiệu và nâng tầm ảnh hưởng đến khách hàng mục tiêu. Trong phần này, chúng tôi sẽ đưa ra các lưu ý quan trọng giúp bạn đạt được kết quả cao nhất khi hợp tác cùng Gaming Influencer.

Không hoạch định chiến lược hợp tác với Gaming Influencer một cách bài bản và chi tiết

Một chiến dịch marketing bài bản sẽ bao gồm nhiều giai đoạn, trong mỗi giai đoạn sẽ có những KPIs khác nhau. Để tận dụng “nguồn lực” Gaming Influencer một cách hiệu quả nhất, doanh nghiệp nên xây dựng kế hoạch hợp tác với các Influencer theo từng giai đoạn, đồng thời định hướng rõ các nội dung mà Gaming Influencer cần truyền tải trong giai đoạn đó. Đừng quên “ghi chú” cho Influencer những lưu ý quan trọng về thời gian gửi nội dung và triển khai kế hoạch nhé.

Lựa chọn sai nền tảng truyền thông

Đối với gaming influencer, “đất diễn” của họ là trên mạng xã hội như Facebook, Youtube và các nền tảng livestream nên lượng khán giả trung thành của họ sẽ tập trung chủ yếu tại đó. Vì vậy nếu bạn có ý định sử dụng hình ảnh của họ trên Twitter, LinkedIn hay những “địa điểm” mang tính nghiêm túc hơn thì đây có vẻ là quyết định khá sai lầm.

Tránh lựa chọn Gaming Influencer không cùng “voice" với thương hiệu

Với Gaming Creator, “fan” của họ đa phần là các bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z - nhóm khách hàng tiềm năng của nhiều nhãn hàng. Tuy nhiên khi lựa chọn Gaming influencer, marketer cũng cần lưu ý đến sự phù hợp với sản phẩm và định vị thương hiệu. Ví dụ, định vị thương hiệu của doanh nghiệp là thương hiệu mỹ phẩm cao cấp nhưng lại lựa chọn một gaming influencer luôn “say no” với các sản phẩm chăm sóc da thì 80% chiến dịch của bạn sẽ thất bại, dù influencer bạn chọn có nổi tiếng thế nào. Hoặc thương hiệu làm về công nghệ có thể chú ý đến các streamer có độ phủ lớn, vì bản thân lĩnh vực công nghệ đã có mối tương quan mật thiết với lượng fan của nhóm đối tượng này.

Chỉ có ngân sách cao mới có thể hợp tác cùng Gaming Influencer

Suy nghĩ này hoàn toàn sai. Trên thực tế, cũng giống như các Influencer khác, Gaming Influencer cũng được phân chia thành nhiều “hệ” với mức giá tương thích với độ nổi tiếng. Vốn là những “idol” bước ra từ các video livestream game, việc hợp tác với gaming influencer là vô cùng đa dạng và linh hoạt, vì vậy marketer hoàn toàn có thể tối ưu hóa vai trò của họ tùy theo mục đích. Không phải cứ “top” gaming influencer với mức cat-xê đắt đỏ thì sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn “micro” gaming influencer. Quan trọng là người bạn chọn phải đồng nhất với các tiêu chí bạn đề ra cũng như có tệp khách hàng phù hợp với sản phẩm/chiến dịch của bạn.

Không “mớm lời” cho Gaming Influencer

Một lỗi sai mà marketer thường gặp phải đó là luôn viết sẵn nội dung cho gaming influencer vì sợ nếu để họ tự viết sẽ không truyền tải được đầy đủ thông điệp của chiến dịch. Tuy nhiên, sự thật là chỉ có Creator mới hiểu rõ những gì fan của họ muốn đọc, muốn nghe nhất. Bên cạnh đó, Gaming creator không phải là diễn viên nên họ không thể “diễn vai" mà marketer đưa ra 100%. Họ là người truyền tải thông điệp với fan một cách gần gũi và đầy chất “đời". Vậy, nội dung càng chân thực, gần gũi với phong cách của creator bao nhiêu thì hiệu quả đạt được càng cao bấy nhiêu. Việc định hướng nội dung và lồng ghép thương hiệu quá nhiều sẽ khiến khán giả “đọc vị” được đây là nội dung quảng cáo, làm họ bớt hứng thú với chiến dịch của bạn.

Không biết cách giao tiếp hiệu quả cùng Gaming Influencer 

Giao tiếp với Gaming Influencer là một trong những bước quan trọng quyết định sự thành công của chiến dịch. Khác với những Influencer khác, không phải gaming creator nào cũng chuyên nghiệp và quen làm việc với các nhãn hàng. Họ vốn là những người có phong cách rất “đời”, đôi khi là hơi bản năng. Vì vậy để quá trình hợp tác được diễn ra suôn sẻ, marketer nên làm việc qua agency để tránh những rủi ro không đáng có.

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI